Chất liệu da lộn là gì?
Da lộn là chất liệu đã trở nên quen thuộc đối với giày dép. Bên cạnh chất liệu da trơn, bóng truyền thống, da lộn là xu hướng lâu bền và hiếm khi lỗi mốt. Da lộn thường được làm từ mặt trái của da động vật thường là da bò, da cừu, da dê… Đặc tính nổi bật của da lộn chính là sự mềm mịn, mềm hơn nhiều so với da thông thường. Chất liệu này được áp dụng đa dạng cho nhiều kiểu giày từ heels, sandal và đặc biệt là boots, boots da lộn đặc biệt mang lại cảm giác ấm áp do bề mặt mềm mượt. Cũng tương tự như da bóng, chất liệu da lộn toát lên vẻ thời thượng và sang trọng cho người dùng.
Cách bảo quản thường ngày cho giày da lộn
Với đặc tính của chất liệu da lộn nên những đôi giày này rất kị nước vì thế tốt hơn hết là bạn nên tránh đi những đôi giày thể thao da lộn của mình ra đường vào những ngày mưa, hoặc nếu buộc phải sử dụng thì hãy hạn chế tối đa việc đôi giày bị ướt nhé.
Điều đầu tiên cần lưu ý để đôi giày thể thao da lộn của bạn luôn như mới là nếu có thể hãy vệ sinh và bảo quản giày thường xuyên. Với những đôi giày thể thao khác thì việc vệ sinh giày thường xuyên là lời khuyên nên thực hiện nhưng đối với những đôi giày cần sự chăm sóc đặc biệt hơn như giày da lộn thì đây gần như là điều bạn sẽ phải làm nếu không muốn đôi giày của mình “ xuống mã” nhanh chóng bởi chúng vô cùng dễ bị bám bụi. Cách vệ sinh giày da lộn khi bị bám bụi rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng bàn chải chuyên dụng hoặc đơn giản hơn là bàn chải đánh răng cũ, chải nhẹ lên bề mặt giày theo một hướng nhất định cho bụi bẩn bay đi. Gôm tẩy cũng có tác dụng rất tốt trong việc vệ sinh giày da lộn nên bạn có thể sử dụng thay thế bàn chải đánh răng, chỉ cần tẩy nhẹ là những vết bẩn không bám quá chặt sẽ bị đánh bay.
Việc giặt giày da lộn không được khuyến khích cho lắm vì như bạn biết đấy chất liệu này kị nước, nhưng đôi khi khi những vết bẩn quá lớn hoặc những thao tác vệ sinh giày đơn giản như trên không làm sạch được thì việc giặt giày vẫn là cần thiết. Nếu phải giặt bạn nên thực hiện theo những bước sau:
Bước 1:Vo tròn tờ giấy báo nhét vào bên trong giày, đặc biệt ở phần mũi để form giày không bị ảnh hưởng và hạn chế tình trạng mũi giày có thể bị gập và nhăn lại khi vệ sinh giày.
Bước 2: Dùng gôm tẩy hoặc bàn chải đánh răng làm sạch những vết bẩn nhỏ bám trên đôi giày của bạn. Thao tác này cũng khiến các viết bẩn lớn và cứng đầu sẽ dễ làm sạch hơn một chút khi ta tiến hành giặt.
Bước 3: Nhúng ướt bàn chải đánh răng bằng dung dịch xà phòng pha loãng ( có thể thay bằng dầu gội đầu hoặc sữa tắm nhưng tuyệt đối không nên dùng bột giặt). Chải nhẹ nhàng trên bề mặt giày đặc biệt những chỗ có vết bẩn, chỉ chải theo một chiều nhất định và nên tháo dây giày trước khi để việc vệ sinh dễ hơn.
Bước 4: Dùng khăn ẩm lau lại toàn bộ bề mặt giày sau khi đã chải sạch và đem phơi khô nơi thoáng mát. Lưu ý không nên phơi đôi giày da lộn của bạn dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp hoặc sử dụng máy sấy để giày khô nhanh hơn vì hơi nóng sẽ làm thay đổi kết cấu của da, khiến bề mặt da bị khô, gãy hoặc nhăn nhúm.
Vệ sinh giày khá quan trọng nhưng việc bảo quản giày cũng quan trọng không kém. Khi sử dụng xong nên cất giày ở những nơi thoáng mát, tránh những chỗ ẩm ướt sẽ khiến giày bị ẩm mốc. Sau mỗi lần sử dụng nên bỏ gói hút ẩm vào trong giày để hút ẩm mồ hôi còn đọng lại ở đôi giày hoặc có thể dùng gói trà túi để khử mùi cũng rất tốt. Còn nếu bạn không có ý định sử dụng trong một thời gian dài thì nên vệ sinh giày sạch sẽ và bảo quản trong hộp hoặc túi nilon.